Đặc biệt, không giống như nhiều người thấy đẹp là muốn chiếm hữu làm của riêng, trong mỗi chuyến đi rừng, Cảnh chỉ chụp ảnh lan để nghiên cứu chứ không lấy một nhánh nào. Thậm chí, có những loài bị người ta khai thác cạn kiệt, anh còn mua giống mang về rừng trồng lại.
Suýt chết vì lan
Đang uống cà phê ở Hà Nội, Cảnh nhận được tin nhắn kèm hình ảnh từ một người em: “Hài gì đây anh?”. Liếc qua ảnh, anh nhắn trả lời: “Úi, lạ đấy, anh chưa thấy bao giờ.” Và anh lập tức chuẩn bị lên đường, quyết định rất nhanh như thường lệ. Đồ đạc đi rừng lúc nào cũng sẵn ở tư thế “huýt sáo là lên đường”, thế nên Cảnh lập tức đi chụp lan hài cocci nắp xanh (Paphiopedilum coccineum). “900km cả đi lẫn về”, anh cảnh báo. Tôi gật đầu bám theo.
Đường tầm lan đẹp vô cùng, một bên là con đường nhỏ quanh co uốn lượn, một bên là con suối rộng róc rách, phía xa là những dãy núi kéo dài. Đi hết đường bằng bắt đầu lên cao, là cung đường đèo kỳ vĩ. Hết cung đường đèo là đến con đường nhỏ men theo vách núi để vào bản. Đi kịch đường mòn, chúng tôi dựng xe ở rìa đường, lấy lá cây phủ lên và bắt đầu đi bộ.
Sau khi đi bộ xuyên qua bản thì bắt đầu tới các nương ngô của đồng bào. Trời mưa nên đường vừa trơn vừa bẩn. Sau khi đi qua các nương ngô thì bắt đầu đến đoạn phải leo núi. Khu vực này rất nhiều rừng trúc và chuối. Khi đi vào rừng chuối, chúng tôi thấy rất nhiều dấu vết để lại của lợn rừng. Anh dẫn đường nhắc mọi người để ý dưới chân, nếu thấy cái lá tươi nào úp trên mặt đất thì đừng dẫm vào vì đó là bẫy sập dân gài bắt thú rừng. Leo trèo mãi rồi cũng đến điểm bắt đầu có lan nở. Loài lan hài cocci nắp xanh mọc cũng không khác gì hài helen (Paphiopedilum helenae), toàn cư ngụ trên vách núi đá dựng đứng. Có những vạt rất nhiều nhưng Cảnh chỉ vươn người ra nhìn nắp đài hoặc ngẩng lên nhìn bụng hoa chứ không thể tiếp cận mà chụp ảnh được. May có một điểm chụp được vài bức ảnh tổng thể của vách thể hiện được một ít cây và hoa. Để chụp được những hình ảnh đó cũng khá vất vả, có những thế đứng chụp được là nhờ một cây mọc ở vách đá sau đó buộc một mớ cây giang vào thân đó để đứng lên chụp, dưới là vực. Nhiều chỗ chụp được một bức ảnh mà chỉ thiếu nước… rụng tim.
Cảnh xoay vần chụp ảnh, đo độ cao, ghi chép cả giờ chưa chán. Anh dẫn đường đi lang thang chán rồi quay lại vẫn chưa thấy xong. Anh đùa: “Có mỗi một khóm lan mà cứ xoay mòng mòng ra chụp. Chụp bốn phương tám hướng vẫn không thấy dừng”. Đang loay hoay chụp, Cảnh phát hiện ngay sau lưng có con rắn lục đực. Giật mình vì đây là một trong những loài rắn cực độc, nó mà bổ cho một nhát thì chỉ có nước ở lại với rừng xanh. Với đa số loài rắn, khi thấy động, chúng thường trườn đi rất nhanh nhưng với loài này thì hoàn toàn khác, cứ thấy động là nó bò đến. Vậy là thay vì chụp lan, anh lại quay sang chụp rắn để làm tư liệu. Chụp xong mới xua nó đi để quay về với “các em lan”. Cảnh sướng rơn người vì khu vực này có tận hai loài lan hài đặc biệt sống trên cùng một quả núi là hài mốc hồng (Paphiopedilum micranthum) và hài helen (Paphiopedilum helenae). Hài mốc hồng bắt đầu nở…
Công việc xong xuôi, chúng tôi lên đỉnh núi vừa ngắm cảnh rừng chiều vừa ăn uống, nghỉ ngơi. Ngồi trên đỉnh vừa nghỉ, vừa ăn, vừa tán chuyện thật phiêu lãng!…
Ở Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 1.400 loài lan. Lan rừng thường sống ở những vùng rừng núi cao từ 500m so với mực nước biển trở lên. Chúng mọc cheo leo trên vách đá, ngọn cây nên để chụp được ảnh chúng, Cảnh thường phải treo mình trên vách đá, trên thân cây. Có lúc Cảnh bò từ vách núi đá bên này sang vách núi bên kia cũng chỉ để ngắm vài bông lan hài, bên dưới là vực sâu hun hút. Rợn người! Cẩn thận lắm rồi nhưng chuyện người bị thương, máy đo độ cao, điện thoại, máy ảnh rơi, hỏng… là chuyện cơm bữa. Đốt sức, đốt thời gian, đốt tiền… nhưng tình yêu lan rừng đã tiếp thêm sức mạnh cho anh. Trong hành trình đi kiếm tìm vẻ đẹp của những nhánh lan rừng, có những lần Cảnh suýt mất mạng. Anh nhớ lại: “Cách đây gần chục năm, trong một chuyến đi rừng, vừa ra khỏi một bụi gai, đầu tôi đội thẳng vào một mớ bùng nhùng nhộn nhạo. Giơ tay gạt xuống, tôi phát hiện đó là một tổ ong khoái rất to đang chụp gần kín đầu. Tôi chỉ còn biết gạt và chạy. Cũng may, tôi chạy được vào một hang đá tối ở gần đó. Loài ong vốn kị chỗ tối nên không dám bay vào hang. Chừng vài phút sau khi đàn ong đã bay đi, tôi ra khỏi hang, ngồi nghỉ để người bạn đồng hành nhổ những cái vòi ong đang ghim khắp đầu và trên cơ thể. Hai giờ sau, cơn sốt bắt đầu hành hạ, tôi không biết gì nữa. Lúc ấy, toàn bộ phần đầu, mặt tôi sưng tấy không ai có thể nhận ra, may mà thể lực tốt nên không đến nỗi nguy hiểm tính mạng. Đúng là một lần hút chết vì lan!”…
Hiệp sĩ lan
Bùi Xuân Đáng – nhà nghiên cứu lan – kể lại một kỷ niệm đặc biệt với Chu Xuân Cảnh. Anh kể: “Khi nghe nói anh Cảnh có một cây lan hài rất nhỏ, có lẽ chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, tôi lập tức đến vườn lan của anh (phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội). Diện tích vườn lan của anh tuy hơi nhỏ nhưng cũng là một sự hiếm có trong thành phố tấc đất tấc vàng. Trong đám hoa lan, lớp treo trên cành cây khô, lớp trồng trong chậu, anh lấy ra một chiếc chậu bằng đất nung bề ngang chừng 12cm, trong đó có một khóm lan hài rất nhỏ chừng 3-4 cây mọc chung với vài mầm non của một giống dendrobium nào đó. Tôi chăm chú nhìn, về hình dáng và màu sắc nó hơi có một chút dáng dấp của cây hài hiệp (Paphiopedilum malipoense var. hiepii). Nhưng có sự khác biệt rất rõ ràng về kích thước của hoa lá và màu sắc. Bông lan hài mới chỉ nhỏ bằng cánh hoa của bông lan hài hiệp. Cánh hoa của bông lan mới mỏng mảnh, trong suốt và màu sắc tươi đẹp hơn. Túi hoa (pouch) nhỏ hơn, trái lại bộ phân nhị hoa (staminode) rất lớn, gần bằng túi hoa. Nó còn nhỏ hơn cây lan hài helen nữa, nhưng tiếc rằng không thể chụp chung để dễ bề so sánh vì cây Paph. helenae nở hoa vào tháng 9-10 mà cây lan mới lại nở vào tháng 3-4. Có lẽ nó còn nhỏ hơn cây Paph. thaianum của Thái Lan cũng được coi là bông lan hài rất nhỏ. Trong bản thảo gửi ngày 14.4.2010 để chứng minh việc công bố này, chúng tôi rất mãn nguyện vì Giáo sư Leonid V. Averyanov (Nga) đã đáp ứng cả hai đề nghị: Không nêu rõ địa danh, tọa độ để bảo vệ loài lan này; đặt tên là lan hài cảnh (Paphiopedilum canhii)”.
Hài cảnh (Paphiopedilum canhii) là loài lan hài đặc hữu của Việt Nam, có kích thước cây và hoa nhỏ nhất Việt Nam. Năm 2009, trong một chuyến luồn rừng đi chụp ảnh lan, anh Cảnh đã tình cờ phát hiện ra loài lan quý hiếm này ở vùng rừng núi phía bắc. Loài này sống trên những vách đá cao, rất khó tiếp cận và cũng khó ươm trồng trong điều kiện thời tiết ở miền xuôi. Cũng bởi vậy, từ khi phát hiện cho đến lúc hoàn tất hồ sơ và đăng ký tên loài mới trên thế giới, anh Cảnh đã phải đi về biết bao nhiêu lần vất vả trong vòng hơn hai năm để ghi chép, chụp ảnh tư liệu và nghiên cứu đầy đủ về đời sống và sự phát triển qua từng giai đoạn của loài trong tự nhiên. Đồng thời, anh cũng lấy mẫu gửi đi giám định gene thông qua một cơ quan khoa học trung gian ở nước ngoài. Niềm vui khôn tả với anh khi kết quả nhận được đã xác định đây là loài mới, được tìm thấy lần đầu tại Việt Nam. Công trình được công bố trên tạp chí American Orchid Society (www.aos.org, Hiệp hội Lan Hoa Kỳ), số tháng 5.2010. Sự kiện này đã không chỉ gây ngỡ ngàng cho các nhà nghiên cứu lan trên thế giới mà còn là niềm hân hoan của toàn thể người yêu lan.
Giáo sư thực vật học người Nga Leonid V. Averyanov cũng như giới khoa học quốc tế đánh giá rất cao khi Cảnh đề nghị: Không cung cấp chỉ dẫn địa lý cụ thể (tọa độ) của loài lan quý hiếm mà anh mới tìm ra để tránh sự săn lùng và chiếm đoạt “tài sản xanh” của thiên nhiên, phá vỡ sự cân bằng sinh thái…
Chuyện về việc phát hiện và công bố loài lan hài cảnh chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong cuộc đời mê lan rừng của Chu Xuân Cảnh. Sinh năm 1976 tại Hà Nội, đam mê lan rừng đến với anh khá sớm. Từ khi học cấp 2, anh đã bắt đầu đi xin những nhánh lan đầu tiên về trồng chơi.
Sau này vì thời gian học hành rồi công việc lôi cuốn nên việc tiếp tục đam mê đó của anh có rất nhiều thời gian gián đoạn. Chỉ từ hơn 10 năm trở lại đây, anh mới tập trung hơn cho việc sưu tầm, và nghiên cứu kỹ về các loài lan. Trong quá trình chơi và tìm hiểu, anh đã phát hiện ra một số loài lan mới và đã cộng tác với nhiều nhà thực vật học ở trong và ngoài nước công bố loài mới.
Song song với đam mê đó, việc lang thang trong rừng ngắm và chụp ảnh các loài lan mọc trong môi trường sinh sống của chúng đã làm đam mê của anh lớn hơn rất nhiều.
Với số lượng gần 30 loài bản địa, các loài lan hài Việt Nam gặp ở cả ba miền. Thời điểm nở hoa của các loài này lại vào các tháng khác nhau, rải rác trong năm. Vì vậy, đối với những người sưu tầm lan, có được một bộ ảnh cá nhân đầy đủ hoa của các loài lan hài Việt Nam là rất khó khăn. Ấy vậy mà Cảnh tâm sự: “Có lẽ tôi là một trong số người thuộc nhóm có tư liệu ảnh lan trong tự nhiên của Việt Nam khá phong phú, đặc biệt là với họ lan hài. Tôi cũng là người may mắn đã chụp được ảnh tư liệu nơi sinh sống và nở hoa của tất cả các loài lan hài thuần chủng của Việt Nam. Tính đến nay, con số này đã lên đến gần 30 loài, đa số phân bố ở miền Bắc, chỉ có một số phân bố ở miền Nam và Tây Nguyên.
Để chụp đủ tư liệu về các loài lan hài nở trong tự nhiên, tôi mất 12 năm liên tục. Có những loài trong một năm phải đi 3-4 lần mới chụp được ảnh nó nở vì không có người đến kiểm tra trước cho được, nên tôi cứ áng chừng đi. Song thời tiết những chỗ đó thất thường nên nó thay đổi không lường trước được. Có những chuyến đi vui vì mục tiêu chụp một loài nở nhưng vô tình lại chụp được cả hai loài nở. Yếu tố may mắn cần được thừa nhận. Rất tình cờ và tôi luôn nghĩ rằng sẽ không gặp loài hài đuôi công (Paphiopedilum gratrixianum) hai hoa bao giờ, không những hai hoa mà lại cả hai cây đều như vậy. May mắn là nhờ một người bạn đi chơi và tình cờ nhìn thấy để báo cho tôi”.
Nhưng những chuyến đi cũng để lại trong Cảnh rất nhiều chuyện buồn như những mảng lan phát triển từ hạt, anh chờ đợi đến 5 năm, sắp đến lúc có hoa thì bị người dân lấy mất. Có những bụi rất nhiều nụ chờ đến ngày nở, đến ngày anh lên chụp thì vừa bị nhổ mất. Có những loài anh phải mất 5 năm thuyết phục người dẫn đường mới đưa đi vì họ sợ bị lộ thông tin thì người khác khai thác mất. Có nhiều loài bị khai thác nhiều đến mức ở gần không còn nữa mà phải đi rất xa, từ chỗ gửi xe máy ở bản anh phải đi bộ hai ngày mới tới. Thế nên Cảnh cùng người dẫn đường phải mang đồ nghề đi cắm trại ăn ngủ dọc đường để đến nơi chụp được rồi trở về.
Cảnh chỉ đi chụp lan nở hoa chứ không lấy lan vì đơn giản là tất cả loài lan của Việt Nam đều bị khai thác và bán ngoài thị trường, anh có thể mua mang về trồng thay vì phải nhổ nó trong rừng. Anh cũng từng mua nhiều loài lan rồi mang đến các khu vực có điều kiện tự nhiên tương đồng (độ cao, ánh sáng, hướng mọc) để trồng lại ở đó. Thường sau 2-3 năm trồng, lên kiểm tra, anh đã thấy thành quả rõ rệt và rất vui.
Vương Xuân Nguyên – nhà nghiên cứu lan – nhận xét: Đam mê sưu tầm và chơi phong lan lâu năm nhưng trong khoảng sân nhỏ trước nhà Cảnh cũng chỉ có những loại phong lan phổ biến và dễ ươm trồng. Nhiều loại phong lan quý anh tìm thấy nhưng đều không mang về nhà trồng mà thường tìm một môi trường thích hợp để nhân giống, duy trì nguồn gene. Với anh, việc tìm thấy và bảo tồn phong lan trong môi trường tự nhiên còn quan trọng hơn nhiều việc sở hữu những nhành lan đẹp đẽ ấy. Bởi vậy, chính trong những chuyến đi rừng, anh thường khuyên, hướng dẫn người dân bản địa, những người thợ săn lan… cách để lấy lan mà vẫn đảm bảo sự phát triển, sinh sôi trong môi trường tự nhiên của nó. Đó cũng là cách anh giáo dục bảo tồn. Với những loài lan quý, anh thường chủ động hoặc tìm một người quen, cũng là người yêu lan lại có vườn ươm phù hợp với điều kiện sinh trưởng của chúng, để gửi gắm, nhân giống mà không hề yêu cầu sở hữu những giò lan quý hiếm ấy.
Cảnh cũng truyền lại cho cậu con trai tình yêu đối với thiên nhiên hoang dã nói chung và với lan nói riêng. Mỗi khi có điều kiện, anh đều đưa cậu con trai lớn đi rừng cùng mình. “Thế hệ trẻ cần có tình yêu đối với thiên nhiên, môi trường và phải biết bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Không gì hiệu quả hơn bằng việc cho trẻ hòa vào thiên nhiên để hiểu và ý thức được giá trị, tình yêu ấy” – anh tâm sự.
Trước mắt, cuốn sách “Lan hài Việt Nam” đã được Chu Xuân Cảnh hoàn thiện, chỉ chờ ra mắt công chúng. Anh cũng kết hợp với một số nghệ nhân sinh vật cảnh ở Hà Nội, Bình Phước… bắt tay thực hiện một cuốn sách công bố những tài liệu mới nhất về phong lan rừng Việt Nam để giới khoa học và công chúng biết về một đất nước đa dạng sinh học bậc nhất thế giới. Đó cũng là cách thể hiện niềm đam mê cháy bỏng góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển những tuyệt phẩm của thiên nhiên.
Trích nguồn: Vào rừng săn ảnh hoa lan (laodong.vn)