Mê đắm hoa lan, anh Nguyễn Quốc Tư tự mình nghiên cứu chuyên sâu về loài này, rồi mở phòng thí nghiệm để gieo hạt bảo tồn, tìm phương thức mới chăm sóc lan rừng ở Gia Lai.
Anh Nguyễn Quốc Tư cho biết, từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, anh đã bị quyến rũ bởi vẻ đẹp, sự đa dạng và hương thơm của các loài lan rừng. Chính vì vậy, anh bắt đầu quan tâm và nghiên cứu về các loài lan từ năm 2006.
Thế nhưng cơ duyên thực sự đưa anh đến với phong lan rừng phải kể đến lần xin việc làm và công tác ở ngành nông nghiệp tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Trong quá trình xúc với phong lan rừng đặc biệt là giống phong lan phi điệp Đức Cơ, anh càng thêm yêu mến chúng. Thời gian đầu để thỏa mãn niềm yêu thích cá nhân, anh sưu tầm trồng chơi một số ít dần dần nhân giống thêm nhiều giò khác.
Do dân cư tại Đức Cơ lúc bấy giờ ít người chơi lan nên anh Nguyễn Quốc Tư bắt đầu nảy ra ý tưởng trồng lan với mục đích chia sẻ đến bạn bè khắp cả nước về giống hoa này.
Với lợi thế được học chuyên ngành sinh – kỹ thuật nông nghiệp, anh Tư bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về sinh lý thực vật cây phong lan phi điệp, quá trình trao đổi chất, mùa nghỉ, mùa tăng trưởng, cách nhân giống, tạo bộ rễ, cách trồng và chăm sóc hữu cơ để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Anh Tư cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu tìm tòi, tôi đã tìm ra nhiều công thức chăm lan hiệu quả, đặc biệt là phương pháp chăm lan bằng dịch chuối (dịch chuối Khaly). Ngoài ra, tôi còn đúc kết được cách chăm sóc hoa lan bằng dịch nha đam, nước dừa, đậu tương… kết hợp với các loài vi sinh vật đối kháng nấm gây hại cây trồng như Trichoderma và vi khuẩn Pseudomonas”.
Năm 2015 – 2016 do sự khai thác bừa bãi của con người, hệ sinh thái rừng gặp nhiều nguy hiểm, dẫn đến nguồn lan rừng trong tự nhiên dần cạn kiệt. Chính điều này đã thôi thúc anh xây dựng phòng thí nghiệm gieo hạt trong điều kiện nuôi cấy mô để bảo tồn giống lan rừng. Trong đó, anh Nguyễn Quốc Tư tập trung áp dụng công nghệ gieo hạt phi điệp trong điều kiện nuôi cấy mô, tạo ra những cây giống khỏe mạnh cung cấp cho người yêu phong lan.
Nhờ vào những nỗ lực, hiện anh Tư sở hữu nhiều giống cây đẹp và tốt, thường xuyên cung ứng ra thị trường. Để đạt được những thành công như hiện nay, ông chủ 7X này đã phải trải qua nhiều khó khăn thử thách.
Hoa phong lan chưa có nhiều công trình nghiên cứu nên khi tìm hiểu thông tin, anh Tư gặp nhiều khó khăn, khiến anh chỉ có thể tự dành thời gian ra để nghiên cứu, tìm hiểu, theo dõi và đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Ngoài ra, anh Tư cũng đã nhiều lần thất bại trong việc trồng và chăm sóc lan, khiến bản thân tốn kém nhiều công sức và tiền bạc.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Nguyễn Quốc Tư bày tỏ sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương pháp nuôi cấy cây phong lan rừng của Việt Nam, để vừa bảo tồn vừa phát triển loài hoa xinh đẹp này.
Nguồn: vietnamnet