GS. TSKH Trần Duy Quý – Chủ tịch Hiệp hội SX&KD hoa lan Việt Nam nhiệm kỳ I (2023 – 2028)
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình tựa lưng vào núi thoải nhìn ra biển, kéo từ bắc xuống nam qua nhiều vĩ độ dài hơn 2000 km, rừng nguyên sinh rộng lớn nên nguồn gen rất đa dạng. Việt Nam là một trong sáu trung tâm đa dạng sinh học nhất thế giới, trong đó có họ hoa lan Orchidaceae Hoa lan thế giới có khoảng 25.000 loài thì Việt Nan ta đã có hơn 1.100 loài, thế giới có 1.500 chi, Việt Nan ta có 153 chi, trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm được xếp vào sách đỏ của thế giới cần được bảo vệ. Thiên nhiên ưu đãi ngoài ngàn giống lan phổ biến, nước ta còn có tới hơn 50 giống lan đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, trở thành hàng hiếm, độc, lạ, có giá trị kinh tế rất cao trong dược liệu quý hơn cả sâm và cây tuyết liên (hai vị thuốc đứng đầu trong 10 vị thuốc bắc cổ truyền) đó là các giống lan thạch hộc tía, lan vani hoàng thảo đùi gà, lan kim tuyến, lan gấm, lan hài… Trong quá trình sưu tầm chúng ta còn tìm thấy thêm nhiều giống lan mới, nhờ ong bướm và côn trùng thụ phấn dưới sự tác động của các tia vũ trụ và biến đổi khí hậu. Riêng năm 2019 đầu 2020, sáu giống lan mới được tìm thấy, cụ thể: Phong lan Apetalarthe grasilis tìm thấy ngày 23/6/2019 tại Fansipan; Đia lan Calanthe Tricarinnata tìm thấy ở Fansipan ngày 22/6/2019; Địa lan Neottanthe Secundiflora tìm thấy ở Fansipan ngày 23/6/2019; Địa lan hay thạch lan Collabiun Yunnanerse tìm thấy ở Mộc Châu ngày 23/9/2019; Địa lan Nervilia appressifolia tìm thấy ở Buôn Đôn này 24/10/2019; Địa lan Đendobiun Praecintum tìm thấy ở Playku ngày 29/6/2020.
Hoa lan là loài hoa cực kì đa dạng về kiểu dáng thân lá và đặc biệt là màu sắc hoa với hương thơm cực kì quyến rũ nên được người đời phong là vua của các loài hoa. Ở Việt Nam, thú chơi hoa lan có lịch sử hơn 700 năm, từ thời các Vua Trần, thường chỉ có vua chúa và các nhà quyền quý mới được chơi phong lan, dân thường không được phép chơi nên dân gian mới có câu “Vua chơi lan quan chơi trà”. Trải qua những thăng trầm của lịch sử đến sau giải phóng Miền Nam năm 1975, thú chơi hoa Lan trên cả nước mới dần được phục hồi và càng ngày càng phát triển thành một nghành sản xuất và kinh doanh đem lại lợi nhuận kinh tế đáng kể.
Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, những người chơi hoa lan đã tổ chức CLB hội nhóm như hội lan Hà Nội, hội lan kiếm Thăng Long, hội lan Hà Đông, hội lan Bát Tràng, hội lan Long Biên, CLB lan Tràng An, hội lan kiếm hoàn vũ, hội lan Bạch ngọc, hội Mặc đen và mặc biên, hội lan Tứ thời, hội Thanh ngọc… Đi cùng với sự phát triển và hội nhập kinh tế của đất nước, hoa lan ngày càng phát triển mạnh mẽ và bùng nổ hơn, có rất nhiều các nhóm, hội, câu lạc bộ,… được thành lập, nhất là 5 năm trở lại đây. Hiện tại cộng đồng hoa lan Việt Nam gồm những người yêu thích, sưu tầm, bảo tồn, sản xuất, kinh doanh trên cả nước là rất lớn, lên đến hàng triệu người.
Ở nhiều nước, các nhà nuôi trồng hoa lan nghiệp dư và chuyên nghiệp đã lập ra các hiệp hội, hội hoa lan ngày càng nhiều. Các quốc gia quanh khu vực (Thái Lan, Siangapore, Indonesia, Malasia, Trung Quốc, Philippin …) và các nước tiên tiến (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Nhật, Úc, Hàn Quốc…) đều có các Hiệp hội hoa lan độc lập để định hướng chiến lược cho ngành hoa lan phát triển đem lại siêu lợi nhuận cho các nước của họ.
Thái Lan đã thành lập Hiệp hội hoa lan từ năm 1957 được Vua Thái Lan tài trợ và quan tâm phát triển. Hoa lan được quảng cáo gắn liền với chương trình du lịch từ sân bay, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng,… Hàng năm đã xuất tới 200-300 triệu lan cắt cành cho các nước trên thế giới đem lại giá trị gần 1 tỷ đô.
Dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Singapore và cách làm chuyên nghiệp, có tầm nhìn chiến lược của Hiệp hội hoa lan Singapore. Ngoài xuất khẩu, hoa lan còn có sứ mệnh là “Ngoại giao hoa lan”. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden và phu nhân Jill cũng từng được tặng và đặt tên cho một loài hoa lan, là “Dendrobium Joe và Jill Biden” cũng như các nguyên thủ quốc gia khác trong các chuyến thăm chính thức Singapore.
Ngày nay đã có hơn 400 hội hoa lan trên thế giới, có nhiều chuyên san về hoa lan đã được xuất bản. Nhiều cuộc hội thảo, triển lãm,… về hoa lan do Hiệp hội hoa lan quốc tế tổ chức định kỳ, luân phiên tại các nước.
Việt Nam được xem là vương quốc hoa lan trên thế giới, với rất nhiều tiềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng trong hoạt động sưu tầm, bảo tồn, sản xuất kinh doanh hoa lan và các sản phẩm từ hoa lan ở trong nước. Sau gần hai năm, được sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo, giúp đỡ của các Bộ ban ngành TW (Bộ Nông nghiệp, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế TW, Ban Tuyên giáo TW) trong việc thẩm tra, thẩm định, xin ý kiến, đề xuất, tham mưu. Ban vận động thành lập Hiệp hội đã hoàn thiện đầy đủ các các hồ sơ liên quan (tài liệu, công văn tiếp thu, giải trình,…) theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 16/01/2023, Bộ Nội vụ đã có Quyết định chính thức số 21/QĐ-BNV về việc thành lập Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh hoa lan Việt Nam .
* Tên tiếng Việt: Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh hoa lan Việt Nam.
* Tên gọi tắt tiếng Việt: Hiệp hội Hoa lan Việt Nam.
* Tên tiếng Anh: Vietnam Orchid Production and Trading Association..
* Tên viết tắt tiếng Anh: VOPTA.
* Trụ sở số : 420-422, Đường Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Tp.Hà Nội.
Hiệp hội Hoa lan Việt Nam là một hiệp hội chuyên ngành hàng hoa lan, phù hợp với Chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và xu hướng phát triển hoa lan trên thế giới. Hiệp hội hoạt động đúng hướng, có hiệu quả, song hành tích cực với các hiệp hội khác, tổ chức các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ, phục vụ các sự kiện đối nội, đối ngoại của các cấp có thẩm quyền. Trong thời gian tới sẽ góp phần xây dựng phát triển hoa lan Việt Nam thành một trong những ngành sản xuất chính đem lại hiệu quả kinh tế cao, trực tiếp đóng góp vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam, xây dựng nền nông nghiệp đô thị thông minh, sinh thái và nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.