Paphiopedilum hangianum – Lan Hài Hằng không mấy phổ thông ở Việt Nam, vì điều kiện khí hậu lạnh lẽo chỉ trồng ở phía Bắc và Đà Lạt mới có thể cho ra hoa

Tên Việt Nam: Lan hài hằng
Tên Latin: Paphiopedilum hangianum
Đồng danh: Paphiopedilum hangianum O. Gruss & H. Perner
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Lan đất

Đặc điểm nhận dạng: Cỏ lâu năm, cỡ 3 – 5 lá xếp thành 2 dãy. Lá dài, hình thuôn – bầu dục, cây nhìn như Paphiopedilum emersonii nhưng to khỏe hơn. Lá hầu như đồng màu, lục đậm trên, nhạt mặt dưới. Lá dài 25 – 35cm, rộng 4 – 6cm. Hoa mọc đứng, cao 15 – 20cm, thường mang 1-2 hoa. Hoa to, có hình trứng ngược, màu vàng vàng lục với đày cánh có gân tía đỏ, nhị lép cỡ 1,7 – 2,5 x 1,5 – 2 cm; bầu dài 2,5 – 2,8 cm. Hoa rất thơm mùi quế.

Sinh học và sinh thái:  Mùa hoa tháng 3 – 4. Tái sinh bằng hạt. Mọc rất rải rác dưới tán rừng nguyên sinh rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa cây lá rộng ưu thế  và  mọc ở các vách núi đá vôi dựng đứng trên cao độ 600-650m trong các khe nứt hay hốc đá ẩm, ít đất ở các vách dựng đứng gần đỉnh núi.

Phân bố:

Trong nước: thuộc tỉnh Bắc Cạn và vùng biên giới phía Bắc Việt Nam. đây là loài đặc hữu Việt Nam, mới phát hiện năm 1998.

Thế giới: Chưa biết.

Giá trị: Loài đặc hữu của Việt Nam. Là loài Hài rất quý mới được phát hiện, có hoa to, màu sắc sặc sỡ, lạ mắt và rất đẹp, rất được ưa chuộng ở các thị trường Lan nước ngoài. Tính đa dạng về màu sắc và hình dáng của cánh hoa bên và môi là điều hấp dẫn nhất đối với những người trồng và lai tạo Hài.

Tình trạng: Loài có khu phân bố vô cùng hẹp, chỉ mới phát hiện được ở một vùng núi rất nhỏ (thuộc loại hẹp nhất trong số các loài Hài gặp ở nước ta) và khó tái sinh, lại bị săn lùng để thu hái ồ ạt và triệt để đến cả cây còn rất nhỏ nhằm xuất khẩu lậu qua biên giới nên bị tuyệt chủng trong tự nhiên chỉ sau 6 năm từ khi được phát hiện, và 3 – 4 năm từ khi bị khai thác ồ ạt. Đây là một trong vài ví dụ điển hình của việc cây bị tuyệt chủng do tình trạng buôn bán lậu, vi phạm nghiêm trọng Công ước CITES.

Mô tả loài: Trần Hợp – Phùng mỹ Trung.