Không dừng lại ở thú chơi tao nhã, tinh tế, giàu tính nghệ thuật; hoạt động sinh vật cảnh (SVC) ngày càng trở nên đẳng cấp, có giá trị kinh tế rất cao và giúp hội viên từ niềm đam mê SVC có thể trở thành những hộ điển hình sản xuất giỏi, làm giàu tại chính quê hương Lâm Đồng.
Ông Trịnh Văn Sỹ bên vườn lan nhà mình
• Ông Trịnh Văn Sĩ – Phó Chủ tịch Hội SVC thành phố Bảo Lộc: “Thỏa đam mê, nâng cao thu nhập”
Từ chỗ yêu thích, đam mê lan, đến nay ông Sĩ đã gắn bó với nghề trồng và chăm sóc hoa lan được hơn 20 năm. “Tôi mang ơn địa lan Hạc Đỉnh – vì nó giúp tôi phát triển và làm giàu chính đáng” chủ vườn lan Văn Sĩ ở Tổ 18 – phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc chia sẻ. Hiện, vườn nhà có hơn 100 loại hoa lan khác nhau, nhưng ông Sĩ tâm nguyện lưu giữ và phát triển, nuôi trồng, bảo tồn những loài hoa lan quý hiếm của Lâm Đồng như lan hoàng thảo vôi, lan kim điệp, thủy tiên, long tu, hoàng phi hạc… Đặc biệt, hiện nay, ông nghiên cứu, tìm tòi và phát triển được loại hoa lan giả hạc trầm có lá biên vàng đột biến, địa lan hạc đỉnh – đặc chủng của Bảo Lộc.
Cơ sở vườn lan của ông Sĩ hiện giải quyết việc làm cho khoảng 10-15 lao động dịp cao điểm tết, lễ, ngày thường giao động khoảng 6 nhân công với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Cũng chính từ hoa lan, hiện nay cho gia đình ông doanh thu bình quân từ 1,2-1,5 tỷ đồng/năm. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội SVC Bảo Lộc ông cũng rất tâm huyết, trách nhiệm và vận động, hướng dẫn các hội viên cùng tham gia phát triển ngành nghề nuôi trồng, kinh doanh lan cho giá trị kinh tế rất cao.