Chính xác là vào năm 1976, khi đó Tuấn Anh mới 11 tuổi. Trong một lần theo người chú tới khởi công xây dựng nhà máy xi măng Hoàng Thạch, tình cờ trong quá trình san lấp mặt bằng một “cục” lan lăn ra, thấy cậu bé con đứng đó, có người nhặt lên cho mang về chơi.
Bản thân Tuấn Anh khi nghe nói đến hoa lan, cũng tỏ ra thích thú mặc dù lúc đó chưa biết sẽ phải chăm sóc nó như thế nào. Nhiều người “mách” cách chăm bằng mùn cưa và bã chè, hoặc củi mục.
Tuấn Anh nghe xong về làm theo, không ngờ cây lan kia có sức sinh trưởng diệu kỳ đã theo anh đến bây giờ. Cây Lan Kiếm đó đã già cỗi song anh vẫn giữ như một kỷ niệm, một vật chứng cho lần “chạm ngõ” của anh với hoa lan.
Bây giờ nhiều người gọi Trần Tuấn Anh là “vua lan” giữa đất Hà thành. Gọi như vậy cũng không quá khi anh đang sở hữu ba vườn lan: một ở nhà, một trong trường Trung cấp Nông nghiệp và một ở Bắc Ninh.
Anh còn có một cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Nhiều người thấy vậy, nghĩ rằng anh là một “đại gia” nhưng sự thật lại không phải vậy. Hiện tại, vợ chồng anh vẫn phải ở trong một căn nhà lúp xúp, chưa đầy mười mét vuông. Tất cả chỉ tại có bao nhiêu tiền anh bỏ hết ra mua lan. Trót mê lan đến không thể dứt ra được, anh cười mà bảo: “Nghiện lắm rồi!”.
Trong thời gian làm cán bộ kỹ thuật ở Công ty cao su Sao Vàng, đến mỗi kỳ lĩnh lương, anh đều dồn hết vào việc mua lan. Đó là những năm tháng bao cấp, cuộc sống vô cùng khó khăn, người nhà anh thấy vậy thì trách móc. Ai cũng bảo anh mua làm gì cho nhiều, chỉ tổ nhà thêm nhiều muỗi.
Sau này, khi đi bộ đội ở vùng núi Tây Bắc, sống trong rừng núi, tình yêu với hoa lan của anh càng nảy nở. Sau những giờ làm việc căng thẳng anh lại vào rừng tìm kiếm hoa lan. Với anh, đó là những giây phút thoải mái về tinh thần nhất, không dễ tìm thấy trong thời chiến tranh biên giới đang diễn ra hết sức ác liệt.
Anh yêu hoa lan, một tình yêu thuần khiết, thậm chí anh sẵn sàng hy sinh vì tình yêu ấy. Trần Tuấn Anh tâm sự: “Bình thường, khi hoa lan chưa nở, đặc biệt là chi hoàng thảo, thì ta chỉ nhìn thấy nó như một cành củi khô, trông rất là chán. Nhưng khi nó nở rồi, thì sức quyến rũ của nó không gì có thể sánh được”.
Với lòng đam mê hoa lan, cộng thêm kiến thức đã tích lũy được, Tuấn Anh quyết tâm gắn bó đời mình với hoa lan, mong muốn được quảng bá hình ảnh hoa lan ra thế giới. Bởi theo anh, nước ta có nguồn tài nguyên hoa lan hết sức phong phú và đa dạng.
Hiện tại Việt Nam đang đứng thứ nhất trên thế giới về hoa lan, đặc biệt là Lan Hài nhưng thế giới ít người biết đến điều này. Trong khi đó, một số nước cũng nghèo như nước mình, thậm chí còn khó khăn hơn, mà người ta lại có nền công nghiệp về hoa lan rất phát triển. Trần Tuấn Anh tin rằng, trồng lan có thể phát triển thành một nghề ổn định, mang lại thu nhập cao cho nhiều người.
Với riêng anh, trồng lan không còn là một nghề mà đã trở thành nghiệp. Để đến với hoa lan, anh đã mất rất nhiều. Mà cái mất lớn nhất, đau đớn nhất có lẽ là sự ra đi của người vợ trước chỉ vì không thể chấp nhận được niềm đam mê của anh. Nhưng vào hoàn cảnh của anh lúc đó, anh không còn một lựa chọn nào khác.
Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh, khi đến thăm vườn lan của anh, đã “tức cảnh sinh tình”: “Có chàng hiệp sỹ tầm lan/Đêm qua mơ cánh hoa ngàn suối xa/Lơ ngơ uống ánh trăng tà/Tỉnh, say…… Thoảng giấc mơ Hoa… một đời”. Đó là nét phác họa về con người cũng như niềm đam mê hoa lan mà Trần Tuấn Anh rất tâm đắc.
Miệt mài nuôi lan tích đức
Giống như nhiều nghề khác, chơi lan cũng là một nghề đòi hỏi nhiều công phu. Không kiên trì thì cây lan khó mà sống được, chứ đừng nói là ra hoa.
Đặc điểm này khiến cho lan trở nên khác biệt với nhiều loại hoa khác. Nhiều người bảo lan là giống hoa “kiêu kỳ” quả cũng không sai.
Người trồng lan có mười một tháng đằng đẵng “chơi” lá, chỉ có một tháng được chơi hoa. Bên cạnh tính kiên trì, người chơi lan phải có kiến thức về lan để hiểu tập tính, đặc thù sinh trưởng của nó.
Để có vốn kiến thức cho mình, Trần Tuấn Anh không ngại bị mọi người gọi là “gàn” khi sẵn sàng bỏ ra vài trăm USD để mua sách về lan. Tuấn Anh cho hay, tài liệu của anh về lan có thể tính bằng tạ, nhiều hơn cả thư viện của trường Nông nghiệp hay bất cứ một thư viện nào khác.
Với vốn tiếng Anh có được, anh dễ dàng tiếp thu những kinh nghiệm quý báu về trồng lan. Để rồi sau đó, nếu ai có nhu cầu cần anh tư vấn, anh sẵn sàng phổ biến cho họ, giống như những con tằm rút ruột mình ra để nhả tơ, mà không màng đến lợi danh.
Ngày xưa “vua chơi lan quan chơi trà”, lan là giống quý phái, không phải ai cũng có điều kiện để chơi. Nhưng bây giờ, cuộc sống đã khá giả hơn, nhu cầu thưởng lãm cái đẹp không còn là một cái gì đấy quá xa xỉ. Tuấn Anh thì quan niệm trồng lan cũng là một cách tích đức.
Và anh tin điều đó. Anh nhận nhiều người về làm “học trò” của mình, có những học trò mãi tận trong Phong Nha (Quảng Bình) ra. Anh lo nơi ăn chốn ở cho họ, truyền thụ kinh nghiệm cho họ, giúp đỡ họ khi họ mở vườn riêng mà không hề thu một đồng “học phí” nào.
Những người học trò ấy, sau này đủ lông đủ cánh, có quay về hay không anh cũng không lấy làm điều quan trọng. Anh không trách họ, cũng không tiếc công sức mình bỏ ra. Điều quan trọng là mình đã làm được việc thiện, việc tốt để tích đức cho con cháu sau này.
Đến vườn lan của Tuấn Anh, du khách ấn tượng bởi mấy câu thơ, hỏi ra mới biết là do Tuấn Anh làm: “Vườn giả hương – Lan tự khắp miền/Về đây tụ hội Ngọc Lan Viên/Quý khách đến thăm mời thưởng ngoạn/Để hồn hòa lạc cảnh non tiên”.
Anh hết lòng vì lan với một lẽ sống đơn giản. Và cho dù hiện tại cuộc sống của anh còn nhiều khó khăn thì anh vẫn cảm thấy hạnh phúc, theo đúng nghĩa của từ này. Không hạnh phúc sao được khi giờ đây anh đã có người cảm thông chia sẻ với niềm đam mê, với những khó khăn của cuộc sống.
Thêm vào đó là một cậu con trai chưa đầy hai tuổi, rất khảu khỉnh và thông minh. Niềm hạnh phúc này được anh gửi gắm vào thơ, qua một bài thơ giản dị, lấy tên con làm tiêu đề: Trần Hiếu: “Tên con đơn giản vậy/Như cuộc đời mẹ cha/Không cầu kỳ bóng bẩy/Thương nhau, và yêu hoa”.
Trần Tuấn Anh là người phát hiện ra 4 loại lan quý nhất thế giới, trong đó có 3 loài lan mang tên anh và một loài lan mang tên đất nước Việt Nam, bao gồm: Den.trantuanii, Vanda tuananhii, Den.vietnamica, Paph.trantuanhii; được phát hiện lần lượt qua các năm: 2003, 2004, 2006, 2007. Một trong 4 loại lan quý ấy – Vanda tuananhii – đã được tạp chí “Orchid” – một tạp chí chuyên về hoa lan của Đức nhắc đến. |
Nguồn: tienphong