Chị Huyền bắt đầu biết đến cây hoa lan từ năm 2007 do giới thiệu của ngành nông nghiệp huyện, lúc đó chị trồng thí điểm khoảng 4.000 gốc lan mokara. Do chưa có kinh nghiệm, thời gian trồng ban đầu gặp khá nhiều khó khăn từ cây giống đến sâu bệnh, đây lại là một giống hoa mới ở Việt Nam nên việc tìm hiểu tài liệu, kỹ thuật chăm sóc rất ít. Sau một thời gian, chị Huyền vừa trồng, vừa quan sát quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lan, tự tìm hiểu phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lan mokara.
Có kinh nghiệm, chị mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng lan, đồng thời được sự hỗ trợ của UBND huyện Củ Chi về việc tiếp cận chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố, chị chuyển đổi từ 5 ha trồng cao su sang trồng lan mokara và lấy tên là “Vườn lan Huyền Thoại”. Vườn lan của chị được đầu tư đầy đủ từ hệ thống tưới tự động, nhà lưới giữ ẩm và nhiệt độ đến phân bón và thuốc chăm sóc với tổng chi phí hơn 10 tỷ đồng.
Hiện tại, tổng diện tích vườn lan của chị Huyền khoảng 8 ha, hơn 300 luống đất, trồng khoảng 320.000 gốc lan mokara, 80.000 gốc dendrobium, trong đó có khoảng 18 loại giống mokara, trên 10 loại dendrobium. Sản lượng lan mokara khoảng 8.000 – 9.000 cành/ngày, còn lan dendrobium khoảng 40.000 chậu/năm. Mức giá bán bình quân loại lan mokara khoảng 5.500 đồng/cành và lan dendrobium là 30.000 đồng/chậu.
Lo xong khâu đầu tư và quy mô vườn, chị lại tiếp tục tự mình tìm kiếm thị trường tiêu thụ để có đầu ra ổn định cho vườn lan. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước chiếm tới 70% và 30% tiêu thụ tại Campuchia. Doanh thu hàng tháng đạt trung bình khoảng 1,1 – 1,2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 14 – 16 lao động địa phương với mức lương từ 6 – 10 triệu đồng/tháng.
Đến nay, chị Huyền đã xây dựng được hợp tác xã hoa lan quy mô lên tới 25 ha với 15 thành viên. Tận dụng những ưu thế thuận lợi của vườn lan để biến thành địa điểm tham quan lý thú, hấp dẫn khách du lịch. Chị Huyền cho biết, bình quân mỗi tháng vườn lan Huyền Thoại đón khoảng 10 đoàn khách với 200 người, trong đó có cả khách nước ngoài. Đây cũng là địa điểm tuyệt vời cho nhóm học sinh đến tham quan, tìm hiểu nghề trồng lan, chị Huyền cũng kết hợp mở thêm các lớp hướng nghiệp và nâng cao kiến thức về nông nghiệp. Với mong muốn hình thành được vùng chuyên sản xuất, sơ chế và bảo quản, tiêu thụ sản phẩm lan với quy mô lớn, chị Huyền đã thực hiện thu mua cho các vườn lan nhỏ lẻ của nông dân.
Ngoài ra chị có sở thích sưu tầm các loài hoa lan rừng đẹp, độc đáo của Việt Nam. Chị đã xây dựng vườn lan Var Nhật Huy với quy mô diện tích gần 2.000 m2 tại tỉnh lộ 8, huyện Cù Chi, Tp.Hồ Chí Minh để lưu giữ nhiều giống quý hoa lan Việt Nam.
Từ những nỗ lực cố gắng, vườn lan Huyền Thoại của chị Huyền là một trong những điển hình tiêu biểu về sản xuất hoa lan kết hợp với du lịch sinh thái. Chị được vinh danh là một trong 24 gương mặt tiêu biểu được bình chọn tham dự Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017”, chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” và “30 năm đổi mới lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Nguồn: khoahocphothong