Ngày xuân, bước đến không gian những ngôi chùa Huế là bước đến một cõi khác.

Qua những ngày mưa bão, những rét mướt, Huế trở mình với những chồi non, lộc lá, những nụ hoa mai vàng, những cây song thọ đào cũng phảng phất nét hồng điều quý phái bên cạnh trăm ngàn loài hoa khác cùng khoe sắc trong tiết trời sang xuân. Lặng lẽ ngắm nhìn để cho ta có thêm một ngày mới, thêm một năm tháng mới thật sảng khoái và tỉnh tại giữa chốn nhân gian này.

Những giò lan giả hạc khoe sắc bên hiên chùa, là thành quả bao ngày sương gió với thầy Thích Thiện Niệm

Những giò lan giả hạc khoe sắc bên hiên chùa, là thành quả bao ngày sương gió với thầy Thích Thiện Niệm

Và có một con người yêu mùa xuân một cách lặng lẽ, thong dong tự tại đi bên cạnh dòng đời, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp thánh thiện, cái đẹp đất trời mà chính con người chỉ có cơ hội nắm giữ trong những khoảnh khắc ngắn ngủi của sự sống đó, để trải nghiệm và cảm thụ những hạnh phúc an lành dù những điều nhỏ nhất. Thầy Thích Thiện Niệm là một tu sĩ như thế, đã khéo léo áp dụng tình yêu ấy, tình yêu cái đẹp, cùng đi trong một chặng đường của cuộc đời một người tu hành. Hàng ngày, ngoài thời gian công phu chấp tác việc chùa, việc học hành và các công việc phật sự khác thì thầy cũng dành một ít thời gian nhỏ, để chăm chút “góc” không gian riêng của mình. Đó là một khoảng không gian nho nhỏ của sân thượng, nơi mà nắng gió, trời mây và sương cùng hòa quyện, trên ấy là một cõi khác, một góc xanh đẹp trong không gian chùa Huế, đó là ngôi chùa Thiên Minh cổ kính ở dốc Nam Giao.

Tôi quen và biết thầy Thiện Niệm chơi phong lan đã lâu, từ nhiều năm trước, ngay những lúc mới chập chững với thú vui này. Hồi đó thầy còn đi học phổ thông, tiền học phí còn khó khăn nói gì mơ đến chuyện chơi phong lan, nên thầy gom góp những túi tiền lì xì ngày tết lại, từng đồng nhỏ, rồi đi mua từng keiky lan về gầy lên. Gom góp từng mắt lan, lâu dần qua năm tháng rồi thầy cũng có vài trăm giò lan xanh mướt đẹp mắt, dưới bàn tay chăm sóc tỉ mẩn và tận tâm. Bây giờ, vườn đã đầy hơn trước, đã xanh hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, nhưng hơn hết đối với thầy là ta cố gắng lắng nghe, gần gũi và hiểu từng giò lan để chăm sóc nó chứ không sử dụng nhiều phân thuốc hóa học, bởi vậy hoa lan của thầy màu luôn tươi, sắc đẹp cánh dày và mọng, lại chịu kháng được thời tiết tốt.

Có những mùa lan giả hạc nở, tôi lên chùa thăm thầy xin chén trà, ngắm hoa. Là cả một không gian lan thân thòng đẹp không diễn tả được, các loại giả hạc nội và ngoại gần như đều có mặt ở đây làm cho không gian vườn chùa tĩnh mặc bỗng thành một vườn lan đẹp mắt, sinh động, không khỏi ngỡ ngàng và thán phục sự chịu khó và kiên trì của nhà sư trẻ này. Các dòng lan giả hạc đủ màu sắc mà thầy góp nhặt được trong những lần đi điền dã, sưu tầm, hoặc trao đổi giống từ các thân hữu chơi lan ở Huế và cả nước, dù không đầy đủ nhưng cũng mãn nhãn được những người ưa thích phong lan…

Để có được một vườn lan như thế là cả một tình yêu lớn, sống và nâng niu từng cọng rễ, từng giọt nước, thầy kể có những lần vừa học bài vừa chăm lan, nó như hai thứ bổ trợ nhau, giúp thư giãn trong cuộc sống cũng như trong việc học tập, đó là niềm vui đơn giản nhưng vô cùng thánh thiện trong đời sống của một tăng sĩ…

“Phật pháp bất ly thế gian”, thế nên sự tồn tại giữa thú chơi phong lan tao nhã và thanh đạm cũng là một cách để gần gũi hơn giữa con người với thiên nhiên cây cỏ, giữ hạnh từ bi giữa mọi loài. Để thấy trong đời sống phạm hạnh của một tu sĩ và đam mê ngoại cảnh thật gần gụi và đáng yêu biết nhường nào. Thầy đã biết sắp xếp dùng những thời gian có thể để chăm bón, để nâng niu những cánh hoa ấy, đợi khi hoa khai mãn nhãn là mang dâng cúng Phật, dâng tặng cho du khách thập phương một chút hương hoa, là lòng thành của một người tu hành với cuộc đời, ấy cũng là một đức hạnh cao đẹp vậy.