Ngày 15-4-2023, tại nhà khách Chính phủ, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh hoa lan Việt Nam đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ I (2023-2028) thành công.
Ngành nuôi trồng hoa lan Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi: Nguồn gen hoa lan vô cùng phong phú; nhu cầu tiêu thụ cao; khí hậu đa dạng; đội ngũ lao động trẻ, khỏe… Tuy nhiên, ngành hoa lan Việt Nam cũng còn nhiều thách thức, đó là: Mặc dù có hàng trăm nghìn vườn lan lớn nhỏ trên cả nước, việc phát triển hoa lan hiện nay vẫn còn mang tính tự phát, cảm tính, nhỏ lẻ, chưa hình thành khu vực sản xuất tập trung, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa có tính liên kết theo chuỗi giá trị cao. Điều này dẫn đến tình trạng khó áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, chưa tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao, khó đáp ứng các đơn đặt hàng xuất khẩu với số lượng lớn.
Sự ra đời của Hiệp hội là vấn đề cấp thiết, giúp nghề lan phát triển bền vững mang lại thu nhập ổn định cho người dân, phá bỏ định kiến “ảo, đa cấp, lừa đảo…”, từ đó cộng hưởng giúp thúc đẩy các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, vật tư hoa lan, du lịch sinh thái, dịch vụ vận tải, nghỉ dưỡng… cùng khởi sắc, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh hoa lan Việt Nam (VOPTA) được thành lập theo Quyết định số 21/QĐ-BNV ngày 16-1-2023 của Bộ Nội vụ. Từ đây, ngành Hoa lan Việt Nam chính thức có một mái nhà chung. Đây sẽ là nơi tập hợp những người yêu thích, sưu tầm, bảo tồn, nhân giống, sản xuất và kinh doanh hoa lan trên toàn quốc để cùng nhau xây dựng phát triển hoa lan thành ngành sản xuất kinh tế sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao bền vững, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.
Tại Đại hội, các đại biểu đã thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo điều lệ hoạt động; bầu Ban chấp hành và Ban kiểm tra theo quy định, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2023-2028. Đại hội đã thống nhất bầu ông Trần Duy Quý làm Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ I. Các Phó Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ I gồm: Ông Nguyễn Thái Bình, ông Nguyễn Trọng Thanh, bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền, ông Ngô Xuân Bình, bà Bùi Thị Hường Bích.
Phát biểu tại đại hội, ông Trần Duy Quý – tân Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh hoa lan Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 cho hay, nuôi trồng hoa lan phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành phụ trợ phát triển như: Sắt thép làm giàn; rêu, xơ dừa, vỏ thông, than củi làm giá thể trồng lan; phân bón, thuốc đặc hiệu; đồ nhựa, đồ gỗ làm chậu trồng, đặc biệt là gỗ mỹ thuật phục vụ cho xuất khẩu.
Hiện nay, nước ta mới xuất khẩu khoảng 10 đến 15 triệu đô la một năm, mà chủ yếu là lan cắt cành. Nếu những chậu hoa, cây cảnh, giỏ lan được trồng và cắt tỉa như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đơn chiếc, thì giá trị kinh tế sẽ tăng cao… Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh hoa lan Việt Nam sẽ là cơ quan ngôn luận, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng những người yêu hoa lan cả nước; luôn là người bạn đồng hành và người nông dân nuôi trồng hoa lan; góp phần giúp ngành hoa lan Việt Nam bứt phá, phát huy hết tiềm năng trong tương lai.
Với tôn chỉ thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên và lợi ích chung của cộng đồng yêu hoa lan Việt Nam; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; liên kết với các cơ quan khoa học, đào tạo, các chuyên gia và nhà vườn trong việc tăng cường nghiên cứu tạo ra nhiều giống hoa mới có chất lượng cao; hỗ trợ, hướng dẫn hội viên chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, dịch vụ hỗ trợ tiếp cận thị trường, trọng tài định giá…, Hiệp hội mong muốn tăng cường tính chuyên nghiệp, thúc đẩy sự phát triển ngành Hoa lan cũng như thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nguồn: hanoimoi.com.vn