Các nhà nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, Cây cảnh đã trải qua một quá trình lên tới 15 năm để tạo ra những cây lan hồ điệp dài, đẹp, với nhiều chủng loại và ngoại hình độc đáo.
Nằm cách Học viện Nông nghiệp Việt Nam không xa, chỉ khoảng 2 km là một khu vườn nuôi trồng kết hợp trung tâm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm giống hoa lớn bậc nhất tại Việt Nam, rộng chừng 3 héc-ta. Đây được xem là một trong những địa điểm ưa thích của dân chơi lan hồ điệp, cũng như những người yêu hoa, vì thường xuyên được ngắm nhìn và mua về những giống lan mới, ngoại hình độc đáo để trưng bày, biếu tặng, nhất là mỗi dịp Tết đến.
Trong bối cảnh chỉ còn chưa đến 1 tuần nữa là đã hết năm cũ Âm lịch, vườn lan rộng lớn vẫn còn tràn ngập những cây lan hồ điệp, địa lan sẵn sàng được đóng gói để gửi tới người mua trên khắp cả nước. Phóng viên Dân trí đã có mặt tại vườn lan đặc biệt này, và ghi nhận được không khí rất tấp nập, bận rộn và một chút gì đó rất khác với những khu vườn khác.
Anh Vĩnh, một người chơi lan ở Hà Nội cho biết năm nào cũng đến địa điểm này để chọn mua về những chậu cây cảnh mới, mà theo anh là “không giống ở bất cứ đâu” trên Việt Nam. Trong khi đó, chị Huệ ở Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho rằng lan hồ điệp ở vườn này có một điểm gì đó rất đặc biệt, do được các nhà thực vật học người Việt trực tiếp chăm sóc, nhân giống nên “cảm thấy yên tâm hơn” về chất lượng, cũng như giá bán vì theo chị là “mua tại nơi sản xuất, không lo bị dân buôn đội giá”.
Theo tìm hiểu, được biết tại đây, các nhà nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, Cây cảnh đã trải qua một quá trình lên tới 15 năm để tạo ra những cây lan hồ điệp dài, đẹp, với nhiều chủng loại và ngoại hình độc đáo.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, cho biết Trung tâm xuất phát từ một đơn vị nghiên cứu, đơn vị đã định hướng về các mảng chuyển giao công nghệ về hoa và có kế hoạch “dài hơi” từ hàng chục năm trước.
Theo đó, bước đầu tiên của quá trình là thu thập nguồn gene, chủ yếu đến từ các cây lan hồ điệp hoang dại ở trong nước và cả nước ngoài. Sau khi có được nguồn gene cần thiết, các nhà nghiên cứu sẽ phân tích để xác định cặp lai bố mẹ, nhằm tạo ra những ưu thế lai ưa thích nhất, làm nổi bật các tính trạng tốt như sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh, hoa to, có hương thơm…
Lấy thí dụ về công đoạn này, PGS. TS. Đông cho biết như đối với một giống hoa mọc trong rừng, có đặc tính là tỏa ra mùi thơm, nhưng hoa lại bé, nhanh tàn. Để hạn chế các tính trạng xấu, các nhà khoa học sẽ lấy giống hoa này, để lai với một giống cây hoa to. Kết quả là vừa có cây hoa to đẹp, lại vẫn có mùi thơm.
Bước tiếp theo là lai tạo 2 giống đã chọn để cho ra 1 tổ hợp các cá thể con lai. Theo quy luật của Mendel, quá trình này có thể ra rất nhiều kiểu cá thể khác nhau. PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết trung bình từ 1.000 cá thể con lai, chỉ chọn được từ 1, 2 cá thể thành công là “đã mừng lắm rồi”.
Bước 3 là công đoạn nuôi cấy mô. Từ một cá thể cây ban đầu, sau thời gian vài năm sẽ cho ra được hàng vạn cây đồng đều giống y như cây ban đầu. Sau đó, đến công đoạn nuôi trồng, phát triển và thương mại sản phẩm.
Theo PGS. TS. Đông, cả một chu trình như thế, ban đầu ít nhất phải mất 10 – 15 năm nếu thành công mới ra được một giống lan hồ điệp. Tuy nhiên giờ đây do đã có sự kế thừa những kết quả nghiên cứu từ nhiều năm trước, nên hàng năm sẽ cho ra được giống mới.
Do mô hình lai tạo và nhân giống bài bản, khu nghiên cứu có thể cho ra những giống hoa lan hồ điệp mới độc đáo và sau đó đăng ký bản quyền cho những giống này, và bán cho những chủ vườn nếu họ có nhu cầu. Từ những giống mới này, chủ vườn có thể nhân lên hàng triệu cây lan hồ điệp với kiểu dáng, ngoại hình không giống với bất kỳ loại nào khác trên thị trường.
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, ở Việt Nam khó có một đề tài, dự án nghiên cứu Khoa học nào có thể kéo dài từ 10 – 15 năm, vì thông thường sau từ 3 – 5 năm, Nhà nước sẽ ưu tiên cho các đối tượng cây mới trồng khác, và như vậy nhiều đề tài, dự án sau khi kết thúc, các sản phẩm sẽ không được nghiên cứu phát triển tiếp.
Tuy nhiên với dự án tạo giống lan hồ điệp này, PGS. TS. Đông đã kêu gọi mọi người cùng chung sức xây dựng, góp vốn, lập thành trung tâm phát triển nghiên cứu và nuôi trồng dựa trên công nghệ cao.
Từ một khu nhà kho chứa vật liệu, lô đất đã trở thành Khu nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm giống hoa, cây cảnh mới của trung tâm và là một trong những cơ sở nuôi cấy mô lớn nhất cả nước. Đến nay, khu nghiên cứu có thể lai tạo, nhân giống để đáp ứng hơn 1 triệu cây lan hồ điệp mỗi năm, gồm rất nhiều giống khác nhau. Kết hợp với các giống hoa cây cảnh khác, khu nghiên cứu đạt năng suất tổng là khoảng 3 triệu cây/năm.
Theo TS. Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, hiện nay, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ nhân giống lan hồ điệp. Tuy nhiên do năng lực vẫn còn hạn chế nên số lượng đưa ra thị trường chưa nhiều, nhu cầu của người dân về các hoa cao cấp vẫn cao, khiến tình trạng cung không đủ cầu, và vẫn phải nhập thêm từ các khu vực khác như Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan…
Trong thời gian tới, TS. Tiến dự đoán Việt Nam sẽ dần hạn chế được việc nhập khẩu, nhờ năng lực nghiên cứu, tự tạo giống, nhân giống và nuôi trồng cây lan nâng cao, cho phép tự cung tự cấp trong nước để làm chủ hoàn toàn và hướng sang xuất khẩu.
Chia sẻ thêm, ông Tiến cho biết Trung tâm sẽ xuất lô giống lan hồ điệp đầu tiên sang Đan Mạch trong năm 2022. Hoa lan thuộc loại hoa giá trị cao do điều kiện canh tác khó, để trồng và chăm sóc cây ra hoa vào đúng dịp mong muốn là cả một thách thức. Bên cạnh đó, thời gian để chăm sóc cũng rất lâu, phải 2 – 3 năm mới được một cành hoa có chất lượng.
Nguồn: Dantri