Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang đã tổ chức họp hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu quy trình nuôi trồng và đánh giá hoạt tính sinh học của các giống Lan Gấm (Anoectochilus sp.) phát triển tại Vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang” do Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang chủ trì, ThS. Nguyễn Công Kha chủ nhiệm theo hình thức họp trực tuyến.

Responsive image

Hội đồng do ThS. Tầng Phú An – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ – làm Chủ tịch Hội đồng, PGS. TS. Đái Thị Xuân Trang và PGS. TS. Nguyễn Bảo Toàn – Trường Đại học Cần Thơ, làm Ủy viên phản biện, cùng các thành viên đến từ Sở Y tế, Chi cục Kiểm lâm, Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm; Văn phòng UBND tỉnh,…

Mục tiêu đề tài được chia làm 02 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Sưu tập, bảo tồn, nhân nhanh cây  Lan  Gấm để làm  chủ được nguồn nguyên  liệu Lan Gấm; khảo sát bước đầu hoạt tính có hướng tác dụng sinh học từ cây Lan Gấm. 

Giai đoạn 2: Xây dựng quy trình  chế biến, bảo quản và  tạo ra một số sản phẩm; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ cây Lan Gấm vùng Thất Sơn tỉnh An Giang. 

Mục tiêu nghiên cứu của giai đoạn 1: 

Sưu tập, bảo tồn nguồn gene Lan Gấm quý hiếm có ở tỉnh An Giang (02 – 04 giống Lan Gấm) và các địa phương khác (02 giống Lan Gấm). 

Xây dựng 02 quy trình nhân giống và 01 quy trình thuần dưỡng cây Lan Gấm tỉnh An Giang bằng phương pháp tự nhiên và nuôi cấy mô (500 cây cấy mô). 

Khảo sát đặc tính sinh học theo hướng tác dụng chống oxy hóa, trên phổi, gan và tăng lực của cao chiết cây Lan Gấm tỉnh An Giang, có so sánh với các công bố quốc tế về cây Lan Gấm. 

Xây dựng 01 mô hình trồng và chăm sóc cây Lan Gấm (200m2) nhằm bảo tồn nguồn gen; cung cấp giống, nguyên liệu cho thị trường và kết hợp phát triển du lịch (mô hình 3.000 cây). 

Đào tạo, nâng cao năng lực cho 30 cán bộ và người dân (nông dân, cán bộ kỹ thuật, cơ sở sản xuất, công ty/doanh nghiệp,…)  về quy  trình  nhân  giống, chăm sóc,… Lan Gấm.

Sau hơn 3 năm thực hiện giai đoạn 1, đề tài đạt được một số kết quả nổi bật như sau: thu thập được 06 giống Lan Gấm tại vùng Thất Sơn, trong đó chọn được 01 giống Lan Gấm ký hiệu AG6 có hoạt tính sinh học cao, có khả năng chống oxy hóa MDA và bảo vệ gan; xây dựng được mô hình trồng 3.000 cây Lan Gấm trong nhà lưới 200m2, 500 cây Lan Gấm cấy mô; xây dựng được 02 quy trình: 1. Quy trình nhân giống cây Lan Gấm bằng phương pháp tự nhiên và nuôi cấy mô, 2. Quy trình thuần dưỡng cây giống Lan Gấm,…

Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu và xem xét hồ sơ đề nghị đánh giá kết quả đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá cao và thống nhất nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, xếp loại Khá. Chủ nhiệm đề tài cần chỉnh sửa báo cáo theo các góp ý của Hội đồng và gửi về Sở Khoa học và Công nghệ trong thời gian 30 ngày. Trong đó, đề nghị chủ nhiệm đề tài bổ sung bảng so sánh, đánh giá Lan Gấm tỉnh An Giang và Lan Gấm tỉnh Lâm Đồng; viết lại quy trình trồng Lan Gấm chi tiết hơn,…

Đây là kết quả đề tài thuộc giai đoạn 1 – giai đoạn tìm được giống Lan gấm có hoạt tính sinh học cao, tạo tiền đề tiếp tục thực hiện giai đoạn 2. Kết quả đề tài sau khi nghiệm thu dự kiến chuyển giao Công ty cổ phần Phát triển Du lịch An Giang, Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn tỉnh An Giang có nhu cầu tiếp nhận, chuyển giao ứng dụng theo quy định./.

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh (angiang.gov.vn)