“Trót” đam mê, mấy năm nay, thầy giáo Phan Tấn Hoàng ở phường An Hòa, TP.Huế đã mày mò học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ đã cho ra đời vườn lan thương phẩm công nghệ cao, được thị trường trong Nam, ngoài Bắc ưa chuộng.

Mười lăm năm trải nghiệm, nghiên cứu

Vườn lan của thầy giáo Phan Tấn Hoàng được bao bọc bởi những khu vườn xanh mướt, cách trung tâm thành phố Huế chưa đến 7 phút đi xe máy. Không bảng hiệu nhưng vườn lan của thầy Hoàng được nhiều người biết đến.

Thầy giáo Hoàng chăm sóc vườn lan công nghệ cao

Thầy giáo Hoàng chăm sóc vườn lan công nghệ cao

Trong khu vườn có ngôi nhà xưa của bố để lại, hơn 10 nghìn chậu lan, như đại hồ điệp, nghinh xuân, vanda, cattleya…được thầy Hoàng sắp xếp, bố trí trong nhà lưới, nhà kính. Số lan này được chủ nhân chuẩn bị cho ra thị trường dịp Tết  Đinh Dậu 2017.

Khởi sự từ năm 2000, từ dân tay ngang, thầy giáo Hoàng đã có gần 15 năm lăn lộn để trải nghiệm, nghiên cứu, học hỏi cách thức trồng lan. Thầy Hoàng chia sẻ, trồng lan không khó, nhưng phải đam mê, kiên trì chịu khó. Cái khó nhất là khí hậu ở Huế không dễ để trồng hoa lan nên phải biết khắc phục thời tiết, đầu tư hạ tầng cơ sở trang thiết bị hỗ trợ cho lan ngay từ khi vào giống cho đến khi lan ra hoa. Yếu tố này là điều kiện sống còn của vườn lan.  Bởi vậy, kinh nghiệm đôi khi phải đổi bằng sự thất bại.  Đó là điều thầy Hoàng nghiền ngẫm và đúc kết sau mười mấy năm gắn bó với lan.

Những ngày mới vào nghề, vốn ít, quy mô vườn nhỏ khiến thầy Hoàng bao phen vất vả. “Có khi sau một trận mưa lớn, sáng ra vườn hoa tan hoang. Mưa to gió lớn cuốn hết bởi lúc đó ít vốn nên mình chưa thể làm nhà vườn kiên cố, quy mô như bây giờ”- thầy Hoàng tâm sự.

Để đạt được trình độ tay nghề trồng lan có tiếng, thầy Hoàng đã đầu tư không chỉ tâm trí và lòng đam mê với vườn lan quy mô được đầu tư bài bản hệ thống dàn tưới, quạt hút, đèn điện đảm bảo điều kiện môi trường ổn định cho lan, không nhờ trời như trước. Mỗi vụ lan đưa ra thị trường với số lượng lớn nhưng chỉ trừ những lúc đầu vụ đưa giống vào giá mới cần đến công lao động ở địa phương, còn lại một tay thầy tự làm, từ việc tính kỹ từng giàn giá, kệ gióng đến khâu chọn giống, tạo kiểu dáng cho từng chậu lan với quy trình kỹ thuật chăm sóc nghiêm ngặt. Thế nên, mỗi thương phẩm lan của thầy Hoàng khi xuất ra thị trường đều được khách hàng, bạn chơi tín nhiệm, trân quý.

Thị trường đón nhận

Từ thành công của vườn lan thầy Phan Tấn Hoàng, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp triển khai dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất hoa lan hồ điệp chất lượng cao tại thành phố Huế”. Dự án triển khai từ tháng 4/2015 đến 4/2016 với kinh phí gần 1,9 tỷ đồng; trong đó vốn khoa học hỗ trợ hơn 560 triệu đồng đã xây dựng hai nhà lưới với diện tích 500m2  trồng 7.000 cây lan hồ điệp 12 tháng tuổi và 5.000 cây lan hồ điệp 6 tháng tuổi theo mẫu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa cây cảnh với các trang thiết bị máy điều hòa, quạt hút, tường nước, máy vắt giá thể, quạt đảo… Dự án tiếp nhận, làm chủ 3 quy trình công nghệ tiên tiến: chăm sóc cây lan từ 6 tháng tuổi đến trưởng thành; xử lý phân hóa mầm hoa tại chỗ; chăm sóc thu hái, bảo quản và vận chuyển hoa thương phẩm…

“Trồng lan công nghệ cao cần phải đầu tư đúng mức mới cho ra sản phẩm đạt chất lượng, đẹp. Chi phí đầu tư cũng rất cao, từ hệ thống nhà lưới cho đến giống, phân… Nếu làm tốt, có thị trường, lãi ròng khoảng 40% tổng doanh thu”, chủ thực hiện dự án Phan Tấn Hoàng chia sẻ.

Thành công của dự án đánh dấu bước ngoặt đưa cây lan trở thành thương phẩm có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Điều quan trọng hơn còn tạo địa chỉ để kết nối, thu hút những người quan tâm, “mê” lan và sinh viên đến tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm. Riêng cá nhân, qua dự án trồng lan ứng dụng khoa học công nghệ, thầy Hoàng khẳng định giờ đây đã khắc phục được thời tiết “khó chịu” của Huế và chủ động cho ra hàng nghìn sản phẩm lan thương phẩm với hoa đủ màu sắc, bền, đẹp theo đơn đặt hàng từ các nhà buôn ở Huế, Bình Định, Thanh Hóa…

Thầy Hoàng khẳng khái, một khi đã tạo được chữ tín thì chuyện lan của vườn luôn “cháy” hàng là rất bình thường. Năm ngoái, hàng nghìn chậu lan hồ điệp, nghinh xuân, vanda, cattleya đã được xuất ra thị trường. Tết năm nay, số giò lan chất lượng cao xuất vườn phục vụ người chơi tăng lên khoảng 10.000 giò. Việc mua bán thời nay thuận tiện hơn xưa rất nhiều- thời đại công nghệ số, chỉ cần chụp ảnh gửi qua mạng, khách hàng dù ở đâu đều có thể ngắm, lựa chọn. Chỉ cần khách hàng “duyệt” cây nào là mình đóng hàng chuyển đi. Mỗi ngày thu vài chục triệu đồng và tiền cũng được chuyển qua tài khoản nhanh gọn.

Điều mà thầy Hoàng băn khoăn là khâu giống, vì không riêng gì ở xứ Huế mà nhiều nơi khác chưa chủ động về cây giống mà phải nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan. Đây là “nút thắt” khiến việc trồng lan ở Huế nói riêng và nhiều vùng còn nhỏ lẻ, mang tính kinh tế hộ gia đình. Thầy Hoàng đang nuôi tham vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhân giống để tạo giống hoa “của riêng”, hướng đến một mô hình vườn lan khép kín từ khâu giống đến khâu đầu ra trong thời gian đến.

Nguồn: baothuathienhue