Ở Cao Bằng, việc mưu sinh bằng nghề săn lan rừng đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Từ các huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Trà Lĩnh và một số huyện lân cận, du khách rất dễ bắt gặp địa điểm bán phong lan rừng của người dân, nhất là ở các khu du lịch. Thế nhưng, để “săn” được những loài lan quý cũng không hề đơn giản, thậm chí phải đánh cược cả mạng sống.

Chúng tôi đã có một cuộc hành trình theo chân những người săn lan, loài hoa được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài hoa nơi thâm sơn cùng cốc này.

Theo chân thợ săn phong lan rừng

Người săn lan rừng phải leo trèo trên những ngọn núi cao.

Ẩn mình trong các thung lũng, dưới những ngọn núi đá là các ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Một cảnh hoang sơ bao trùm cả bản làng. Trong những ngôi làng nơi miền sơn cước này, rất dễ bắt gặp những người đi rừng săn phong lan. Khi những tia nắng ban mai dần xua đi màn sương sớm, đó cũng chính là lúc người đi rừng bắt đầu công việc đi săn loài hoa của sương gió.

Lan rừng thích sống trên những thân cây gỗ mục, chịu đựng gió sương nhưng vẫn tỏa hương thơm. Những cây gỗ mục chính là nguồn sống nuôi dưỡng những loài hoa lan nơi núi rừng này.

Hoa phong lan rừng được ví như một trong những loài hoa quý hiếm, kiêu hãnh nơi miền sơn cước. Có nhiều người bảo rằng, lan rừng tựa như “kiều nữ” hay “nữ hoàng” của các loài hoa. Bởi hoa lan rất đa dạng màu sắc, phong phú về chủng loại, nên chúng có sức hút lạ kỳ.

Không khí mát lạnh của buổi bình minh dường như đã xua đi cái vất vả mệt nhọc cho những người đi rừng. Đối với những người săn lan chuyên nghiệp, lúc nào họ cũng tràn đầy sinh lực cho những chuyến đi xa.

Anh Nông Văn Quang là một người chuyên săn lan rừng ở huyện Quảng Uyên cho biết: “Người săn lan rừng phải có tính kiên nhẫn, đôi khi phải đối mặt với mạo hiểm. Cũng vì cuộc sống, nên bà con chấp nhận mạo hiểm để săn loài hoa này”. 

Theo chân anh Quang, chúng tôi tìm đến những vùng đồi núi cao, nơi mà hoa phong lan rừng sinh sống. Trong rừng là những tán cây rậm rạp và tầng tầng lớp lớp của muôn loài cây cối.

Vào cuối mùa hè, khi độ ẩm không khí cao, lại có mưa nhiều, nên đây cũng chính là thời điểm loài hoa phong lan phát triển mạnh nhất. Hoa phong lan ở Cao Bằng phong phú về chủng loại, như phi điệp tím, phi điệp vàng, hạc vĩ, tóc tiên, vảy rồng, nhưng phổ biến nhất vẫn là phong lan đuôi cáo. Những người đi rừng như anh Quang không quản ngại gian nan vất vả, thậm chí họ phải cược mạng sống để đổi lấy những giỏ phong lan đẹp.

Anh Quang cũng giống như nhiều người săn phong lan rừng ở các vùng núi khác. Sống với núi, gắn bó với rừng, nên anh sớm biết đến nghề săn phong lan. Đôi chân anh đã từng đi nhiều nơi trên những phiến đá gập ghềnh, lặn lội theo mọi ngóc ngách của khu rừng để tìm kiếm lộc lan.

Cái hoang vu của núi rừng dường như là một cái gì đó bất tận không thể ngăn nổi những bàn chân chai sạn của những người đi rừng. Theo anh Quang, để kiếm được loài hoa này, một ngày phải đi nhiều ngọn núi, thậm chí phải ngủ lại ở trong rừng một, hai ngày. 

Lan rừng được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài hoa.

Trong rừng, dưới những tán cây ẩm thấp là hàng chục loài nấm và mộc nhĩ, chúng sống ký sinh trên những thân cây gỗ mục. Những loại dây leo, cây sống ký sinh hay cộng sinh bám chặt rễ trên những thân cây vững chãi, khiến cho khu rừng trở thành một quần thể thực vật sống động.

Hoang sơ và lặng lẽ cộng với tính kiên nhẫn của những người đi rừng, bởi vậy nên đôi mắt anh Quang lúc nào cũng lướt đi lướt lại, ngó nghiêng trên những thân cây gỗ mục, dường như đang chờ đợi sự may mắn đến với mình.

Theo bà con ở trong vùng, xưa kia đã từng có người đi săn lan phải bỏ mạng vì sự hiểm trở của ngọn núi này. Vẫn biết là gian nan và vất vả, nhưng với những người dân nơi đây, họ vẫn bám rừng để mưu sinh.

Một bụi phong lan rừng săn được có giá bán từ 150 đến 200 nghìn đồng. Đối với những bụi phong lan đẹp như phi điệp tím, phi điệp vàng được bán với mức giá vài trăm nghìn đồng. Một ngày người dân có thể kiếm được cả triệu đồng nhờ bán phong lan rừng.

Mưu sinh nhờ lộc rừng

Có lẽ đối với người dân nơi miền sơn cước, họ đã sớm nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu của loài hoa này. Cuộc sống mưu sinh của thợ săn lan cứ mông lung, tựa như những áng mây bảng lảng trôi trên bầu trời, họ đi hết ngọn núi này đến ngọn núi khác.

Sau khi săn tìm được các bụi phong lan đẹp, họ sẽ đem bán cho khách du lịch, hoặc bán lại cho những người sưu tầm hoa phong lan. Hoa phong lan rừng mang vẻ đẹp biểu tượng của nét đẹp vương giả, tinh tế và hiếm thấy nên có nhiều khách du lịch rất ưa chuộng.

Nét đẹp quyến rũ cộng thêm một chút kiêu sa, huyền bí làm cho người ta không khỏi tò mò, thích thú và phong cho một tước danh cao sang như vẻ đẹp vốn có của nó: “nữ hoàng” của các loài hoa.

Hiện trên thế giới có khoảng 25.000 loại phong lan có trong tự nhiên, và mỗi năm lại có thêm nhiều loài lan mới được phát hiện. Phong lan được xếp vào các họ thực vật có hoa lớn nhất.

Có thể nói đây là loài hoa khó trồng, chỉ có thể phát triển mạnh nhất ở những vùng có khí hậu nhiệt đới với điều kiện chăm sóc đặc biệt. Ở Việt Nam có gần 1.000 loài hoa phong lan, được chia làm hai dòng là phong lan có hoa nở vào một vài thời điểm trong 4 mùa, sống trên những thân cây và địa lan thường nở hoa vào mùa xuân, sống trên gành đá hoặc đồi đất.

Lan là loài hoa vương giả, có nét đẹp mê hồn. Giới chơi lan chuyên nghiệp vẫn thích lan Việt Nam, nhất là ở những vùng đồi núi cao, bởi lẽ nó có hương sắc thanh khiết, gần gũi với tâm hồn của người Việt.

Những loài hoa lan quý thường là tiên vũ, đuôi chồn, đuôi cáo, lan hồ điệp hay móng rồng. Mùa mua, độ ẩm không khí cao, chất dinh dưỡng được hòa tan nên hoa lan được hút nước nhiều hơn.

Tuy không có màu sắc rực rỡ nhưng loài hoa lan rừng lại mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng và thanh tao. Khi ngắm những cánh hoa phong lan rừng, chúng ta có cảm giác như một suối hoa đang chảy với một màu sắc nhẹ nhàng, chuyển từ sắc trắng sang hồng, hay vàng óng ánh nên người ta thích cái vẻ gân guốc mộc mạc của nó. Lan rừng là loài hoa quý thích sống trong môi trường ẩm ướt, và rất dễ bén rễ.

Chị Sái Thị Biểu (38 tuổi) ở huyện Trà Lĩnh cho biết: “Tôi trồng lan cũng đã được 4 năm nay rồi, giờ cũng đang tìm hiểu để học hỏi nên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm lắm. Cách chăm sóc chủ yếu vẫn là phun tưới thủ công, chứ chưa lắp được giàn phun sương.

Phong lan của gia đình được bày bán tùy theo từng giỏ, từng loại. Nếu giỏ phong lan đẹp có thể bán mới mức giá vài trăm nghìn đồng, trung bình là 150 nghìn đến 200 nghìn một giỏ. Phong lan của gia đình chủ yếu mua lại của người dân đi rừng. Mình mua rồi ghép vào cây hoặc trồng vào giỏ, sau đó bán lại cho khách du lịch”.

Theo chị Biểu, chị chơi phong lan chủ yếu tranh thủ những lúc nhàn rỗi. Về kỹ thuật chăm sóc, chị chủ yếu sưu tầm ở trên mạng. Trong vườn của gia đình cũng rất đa dạng về chủng loại, chủ yếu vẫn là giống lan địa phương như phong lan da báo, quế, tóc tiên, vảy rồng, kiều, mỡ gà, đùi gà, hạc vĩ…

Chị Sái Thị Biểu, người sưu tầm hoa phong lan rừng ở huyện Trà Lĩnh.

Chị Biểu cho biết thêm: “Ở mạn Cao Bằng, phong lan đuôi cáo rất phổ biến và cũng dễ săn tìm. Còn lan đuôi chồn thường khó tìm hơn vì chúng mọc trên những mỏm đá cao hoặc những tán cây cao. Dòng lan đuôi chồn có màu trắng muốt, màu đỏ, màu tím và màu hồng. Hiện gia đình chị đang trồng thêm phi điệp tím và phi điệp vàng”.

Cùng với việc khai thác ồ ạt để phục vụ nhu cầu chơi phong lan như hiện nay, việc bảo tồn những loài phong lan quý hiếm trong môi trường tự nhiên là vô cùng khó khăn.

Nhiều cánh rừng ở vùng cao đang bị tàn phá, những cây cổ thụ bị triệt hạ không thương tiếc thì môi trường sinh sống của các loài hoa lan cũng đang dần bị thu hẹp. Những cánh rừng khát và khô cằn phô ra sự trọc lóc, không còn những tán cây rừng che chắn và giữ nước, khiến cho những nhánh hoa lan rừng cùng dần dần bị biến mất.

Những người sưu tầm lan có khả năng nuôi dưỡng tách nhánh và chăm sóc phong lan nên chung tay góp sức để đưa những nhánh phong lan quý trở lại với những cánh rừng để loài hoa này có thể khởi sắc trên những triền núi. Lan rừng là một loài cây nhạy cảm với khí hậu và thời tiết, cùng với môi trường sống, sự hiện diện của những loài hoa phong lan ngoài tự nhiên sẽ là dấu hiệu của sự hồi sinh trở lại.

Nguồn: Nghề săn Phong Lan