Với diện tích từ hàng chục mét vuông trong nhà đến hàng ngàn mét vuông ngoài vườn, nhiều hộ gia đình ở Đà Lạt đã phát triển đa dạng các loại lan rừng có giá trị khá cao về vật chất cũng như tinh thần. 

 

Với diện tích từ hàng chục mét vuông trong nhà đến hàng ngàn mét vuông ngoài vườn, nhiều hộ gia đình ở Đà Lạt đã phát triển đa dạng các loại lan rừng có giá trị khá cao về vật chất cũng như tinh thần. 
 

Anh Nghiêm Xuân Sơn (89, Đồng Tâm, Đà Lạt) với cây phong lan sưu tầm được các nhà nghiên cứu châu Âu vinh danh gắn vào tên của mình

 
Một ngày cuối tuần, phóng viên đến số 89, đường Đồng Tâm, Đà Lạt ghi nhận cả trăm loài lan lọng giăng mắc trong phạm vi khoảng hơn 50 m 2 bên hông nhà của chủ nhân Nghiêm Xuân Sơn. Mỗi cây thuộc mỗi loài khác nhau được chăm sóc trên từng chậu giá thể vỏ thông hoặc cố định trên các gốc, thân cây gỗ khô mục, kết dính vào những tấm dớn cắt thành từng tấm, treo trên vách ta luy…, nhưng tất cả đều tươi tắn màu lá, màu củ phong lan nhiều kích thước, cánh hoa nho nhỏ, nhiều màu bắt mắt. Anh Sơn cho biết, nhiều năm qua, anh cùng với những người cùng sở thích sinh vật cảnh đã đi vào các khu vực rừng Tây Nguyên để sưu tầm, trao đổi các giống phong lan lọng về chăm sóc hàng ngày. Càng chăm sóc càng thấy nhu cầu chơi phong lan của mình tăng hơn lên, được nhiều người nghiên cứu đến từ các nước châu Âu, châu Á tìm đến xác định các giống loài mới, thảo luận, tìm ra các giải pháp bảo tồn và nhân rộng các loài phong lan đặc hữu từng vùng miền. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã công nhận anh Nghiêm Xuân Sơn là người đầu tiên phát hiện ra một giống lan lọng đặc hữu của Nam Tây Nguyên có tên khoa học là Bulbophyllum Sonii vào tháng 11/2018. Đây là loại cây phong lan giả hành, hình trái lê cao từ 10-16 cm, kích thước lá dài từ 10-12 cm, rộng 10-14 cm, hoa nở vào tháng 12 đến tháng 1 hàng năm, màu nâu tím. Từ đây trên diễn đàn Hội Hoa lan Việt Nam đã vinh danh tên loài lan lọng mới này là Lan lọng Nghiêm Xuân Sơn. “Đà Lạt với khí hậu ôn hòa trên độ cao 1.500 m không chỉ là môi trường thuận lợi để các loài phong lan bản địa phát triển trong tự nhiên và phát triển trong vườn nhà, mà còn có thể chăm sóc hiệu quả các loài phong lan sưu tầm về từ các khu vực đồi núi miền Trung, phía Bắc trong nước…”, anh Nghiêm Xuân Sơn chia sẻ. 
 
Cùng “cộng sự” chăm sóc lan lọng khá nhiều năm với anh Nghiêm Xuân Sơn có anh Phan Trọng Quyết ở số 2, đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt. Khuôn viên nhà lưới của Quyết chỉ hơn 20 m2 ở một góc sân thượng trên nhà, nhưng đã thu gọn như một quần thể phong lan rừng với những loài cây đặc hữu của cả vùng Tây Nguyên thay nhau đua nở các màu hoa đặc sắc. Đó là hoa dù màu hồng tím, hoa yến đuôi vàng, lọng tím trắng, lọng vàng múi đỏ, lọng mây bạc lá to, lọng củ lép… khá lạ mắt và lôi cuốn đối với phóng viên lần đầu trông thấy. Quyết nói về mục đích chăm sóc lan lọng của mình: “Xây dựng vườn phong lan nho nhỏ trên sân thượng nhà giúp người chăm sóc có đời sống tinh thần thoải mái sau những giờ công việc bận rộn, căng thẳng. Đặc biệt, gắn bó với phong lan đặc hữu Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung, người nhà đều cảm thấy luôn gần gũi và thân thiện nhiều hơn với các loài thực vật đa dạng trong thiên nhiên”…
 
Kết quả nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc phong lan, chủ nhân Nghiêm Xuân Sơn và Phan Trọng Quyết đã nhân giống thành công nhiều giống, loài quý hiếm bằng phương pháp chiết tách củ, nhánh. 
 
Đáng nói việc nhân giống này chủ yếu để trao đổi, cung cấp cho nhu cầu chăm sóc của các “cộng sự” với nhau, nhằm góp tay lưu giữ và làm phong phú thêm các giống, loài phong lan đặc hữu của Đà Lạt, Lâm Đồng và của cả nước. 
 
 Nhưng với anh Nguyễn Quang Trí, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lan hài Đà Lạt (Hội Sinh vật cảnh Đà Lạt) thì trong 7 năm qua, vườn ươm diện tích 200 m 2 của hộ gia đình ở đường Nguyễn Siêu, Phường 7, Đà Lạt mỗi năm nhân giống lan hài hàng ngàn cây có nguồn gốc nhập về từ khu vực các nước châu Mỹ, châu Á, bán ra từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/cây. Trong đó phần lớn giống bằng gieo hạt tự thụ phấn. Quy trình trồng, chăm sóc cây con lai hài chừng một năm sau bắt đầu thụ phấn lấy hạt. Đưa ra gieo ươm 1 năm sau chuyển sang khu vực chăm sóc đến 3 năm sau sẽ cho hoa liên tục. “Hiện trong Câu lạc bộ chúng tôi có hơn 10 người chăm sóc hàng trăm loài lan hài với các sắc màu chủ đạo như vàng, đỏ, hồng, xanh, nâu đất… Kỹ thuật chăm sóc lan hài trên giá thể vỏ thông, đá núi lửa, dớn đen… Cá biệt có cây tuổi từ 5 năm trở lên phát triển thành từng cụm lớn có giá bán cao nhất lên đến 20-25 triệu đồng/chậu… Một số vườn lan hài của thành viên Câu lạc bộ chúng tôi trong năm qua đạt doanh thu bán ra đến 400 triệu đồng”, Chủ nhiệm Nguyễn Quang Trí cho biết. 
 
Đáng kể hơn, phóng viên đã tìm đến nơi quy mô sản xuất, kinh doanh lan giả hạc diện tích khoảng 4.500 m2 nhà kính dưới chân đèo Mimosa Đà Lạt. Mới xây dựng 2 năm, khu vườn lan giả hạc có tên Hoàng Lan nơi đây chuẩn bị vài tháng tới xuất vườn bán đợt 2 với 30.000 cây theo đơn đặt hàng trước của khách hàng trong nước, giá bán từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/cây với 2 màu chủ đạo là màu tím và màu trắng. Anh Nguyễn Hoàng Nam, phụ trách kỹ thuật ở vườn lan Hoàng Lan cho biết, kỹ thuật nhân giống giả hạc chiếm tỷ lệ 3/4 gieo hạt tự thụ phấn và còn lại tỷ lệ 1/4 chiết tách thân, cành. Đợt 1 xuất bán cùng kỳ năm ngoái ở vườn là hơn 20.000 cây, cũng với giá từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/cây. 
 
Cũng theo phụ trách kỹ thuật Nguyễn Hoàng Nam, đặc trưng khí hậu “đất lành” Đà Lạt là lợi thế để phát triển, nhân giống đa dạng các loài lan rừng, trong đó có loài lan giả hạc. Đặc biệt, giống cây lan giả hạc sản xuất tại Đà Lạt với số lượng đại trà khi đưa về chăm sóc ở những vùng đồng bằng trong cả nước đều đạt chất lượng hoa tươi dài ngày, hoa nhiều cánh, thời gian sinh trưởng lâu dài nếu chăm sóc đúng kỹ thuật hướng dẫn của Vườn lan Hoàng Lan nơi này.