Mỗi dịp Tết đến, xuân về, ngoài những món ăn đậm đà truyền thống dân tộc thì thú vui chơi cây, hoa trang trí thể hiện nét tao nhã trong văn hóa của người Việt. Những năm gần đây, bên cạnh đào, quất, mai…, hoa lan chính là thú vui tinh tế, sang trọng được nhiều người dân Thủ đô lựa chọn. Hiện, nhiều hộ nông dân của Hà Nội trở thành tỷ phú nhờ trồng hoa lan.
Những tỷ phú hoa lan
Trên địa bàn thành phố Hà Nội đang xuất hiện nhiều mô hình trồng hoa lan cho giá trị kinh tế cao. Theo bà Bùi Hường Bích – Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài – Flora Việt Nam, đến nay, diện tích sản xuất hoa lan của đơn vị được mở rộng lên 40.000m2, trong đó có 2.200m2 nhà kính sản xuất hoa lan giống, 17.800m2 nhà kính sản xuất hoa thương phẩm. Mỗi năm, Hợp tác xã cung ứng cho thị trường hơn 800.000 cây hoa lan các loại: Lan hồ điệp, lan vũ nữ, địa lan và hàng chục vạn cành hoa ly, hoa loa kèn.
“Hoa lan vốn được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loài hoa”, thú chơi hoa này xưa chỉ dành cho giới vương giả, thượng lưu. Ngày nay, chơi lan trở thành thú vui tinh tế, tao nhã và lan tỏa đến nhiều người, nhất là vào dịp Tết cổ truyền dân tộc. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ hoa lan của Hợp tác xã được mở rộng”, bà Bùi Hường Bích cho biết thêm.
Từ kinh nghiệm hơn 10 năm trồng hoa lan, ông Trịnh Đắc Khánh, ở xóm 4, thôn Đồng Nhân, xã Đông La (huyện Hoài Đức) cho biết, với diện tích 2.000- 3.000m2 cùng các loại lan rừng như tam bảo sắc, tai châu, quế, các dòng thân thon; đặc biệt dịp Tết này, vườn lan của gia đình ông còn cho ra mắt loại lan hồ điệp rất đẹp. Giá lan năm nay so với mặt bằng năm ngoái tăng khoảng 15-20%: Hồ điệp giá khoảng 300 nghìn đồng/cây, loại đẹp có thể lên đến 350-400 nghìn đồng/cây; lan tai châu do không đồng nhất về kích cỡ nên giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/cây. Lượng tiêu thụ năm nay tốt hơn năm ngoái, ngay từ cuối tháng 11 đã chuẩn bị tất bật vào vụ Tết Nguyên đán.
Còn theo ông Ngô Minh Trưởng, ở xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai), từ năm 2019, nhận thấy nhu cầu thị trường đối với sản phẩm hoa lan cao cấp tăng, ông mạnh dạn thuê đất tại xã Mỹ Hưng để trồng thử nghiệm. Ông đầu tư hơn 7 tỷ đồng cải tạo, san lấp, xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng… để trồng lan hồ điệp. Trên diện tích 1.500m2, vụ thu hoạch đầu tiên, hoa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, bán ra đúng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão nên cho thu nhập khá tốt.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, những năm qua, nghề trồng lan mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình, trừ chi phí, bình quân thu nhập mỗi hộ từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Hướng tới liên kết, mở rộng thị trường
Hoa lan mang vẻ đẹp thanh tao mà sang trọng, từng loại lan lại mang ý nghĩa, thông điệp và giá trị nghệ thuật khác nhau, chinh phục được các khách hàng kỹ tính, nên loài hoa này ngày càng được nhiều nông dân chọn là một trong những loại cây trồng chủ lực.
Theo ông Tạ Công Thực, ở xã Đông La (huyện Hoài Đức), với mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng các loại cây khác, nghề trồng hoa lan đang trở thành xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hoa lan vừa giúp trang trí cho ngôi nhà, vừa mang lại thu nhập cao cho gia đình, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo mỹ quan đô thị. Song, để nghề trồng hoa lan phát huy hiệu quả, các ngành chức năng cần hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật, vốn để mở rộng quy mô sản xuất…
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, ở xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh), thị trường hoa lan đang phát triển. Đây là cơ hội kinh doanh cho những nông dân muốn làm giàu từ hoa lan, quan trọng là chủ vườn kinh doanh phải thường xuyên sưu tầm giống mới, lạ, giá cả hợp lý và tận tình hướng dẫn khách hàng cách chăm sóc hoa thật tốt.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, đối với những huyện ven đô như Thanh Oai có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, bài toán nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác được huyện đặc biệt quan tâm. Từ hiệu quả mô hình trồng hoa lan trên địa bàn, huyện đang khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ nông dân nhân rộng loại hình sản xuất này nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng thành công mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch.
Có thể nói, trong không khí tươi mới của mùa xuân, vẻ đẹp quý phái sang trọng của hoa lan đã góp thêm sắc màu thi vị cho không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Không chỉ thế, trong cảm xúc lắng đọng của không gian và thời gian, của sự giao hòa trời đất, hoa lan còn đang góp phần mang đến sự sung túc cho những người trồng lan.